Điểm tựa cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (13/07/2024)
Những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ, tạo việc làm, mở rộng việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, chính sách hỗ trợ cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy, động lực cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xem là chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.
Đối với lao động, việc tham gia học tập, lao động ở nước ngoài không chỉ là cơ hội để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo hiệu quả cho gia đình, địa phương mà còn là môi trường thực tiễn để rèn luyện tay nghề, hoàn thiện kỹ năng, sẵn sàng tham gia thị trường việc làm khi trở về đất nước.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2023, thông qua các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 3.500 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số người đi làm việc ở nước ngoài tăng dần theo từng năm. Tính đến nay, hầu như tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Một trong những chương trình tạo động lực, hỗ trợ mạnh mẽ cho người lao động là chính sách cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chương trình đã và đang phát huy nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho người lao động. Đến nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk là hơn 1.200 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 4.188 lao động tại địa phương. Trong đó, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 185 người với dư nợ là hơn 13 tỷ đồng.
Cụ thể, 19 người là người lao động có hộ nghèo; 30 người hộ cận nghèo; người lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số là 107 người; 6 người là người lao động chiến sỹ bộ đội xuất ngũ; 1 người có công; 1 người là thân nhân người có công; người lao động có khó khăn về tài chính là 17 người; và người lao động khác là 4 người.
Chị H' Phương Thanh Knul, tại Buôn Ea Khít A, xã Ea Bhok, huyện Cư Kuin là một trong những người đồng bào dân tộc thiểu số được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vay vốn đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với số tiền 99 triệu đồng. Theo người nhà chị Phương Thanh chia sẻ, gia đình chị Thanh được tạo điều kiện rất nhiều từ việc được hỗ trợ cho vay cho đến việc đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Tại địa phương, chị Thanh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, do đó, khi được các cấp chính quyền chức năng quan tâm, hỗ trợ tạo động lực rất lớn cho gia đình nhà chị để đảm bảo an sinh xã hội cho gia đình.
Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23.9.2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9.7.2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tạo nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động trên toàn tỉnh. Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay cũng như với mức vay 100% là phù hợp với thực tiễn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng và là một giải pháp hiệu quả nhằm góp phần hạn chế, đẩy lùi "tín dụng đen".
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, thông qua chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực. Một là, giúp cho người dân có việc làm vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp và nhiều lợi ích kinh tế khác. Mặt khác người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ, tay nghề, tích lũy kinh nghiệm và vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm sau khi về nước, từ đó có điều kiện thay đổi đời sống.
Hai là, sau khi về nước, người lao động được bổ sung vào nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 2.11.2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Việc triển khai kịp thời chương trình tín dụng cho vay xuất khẩu lao động cũng như công tác quản lý, hỗ trợ kịp thời cho người lao động của Sở Lao động, Thương binh, Xã hội tỉnh Đắk Lắk và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương mà còn hạn chế, giảm thiểu đáng kể về tình trạng tín dụng đen trên địa bàn tỉnh.
Các tin khác
- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Ngành Lao động – TB&XH, Quốc khánh 02/9 và 120 năm ngày Thành lập tỉnh Đắk Lắk
- Đắk Lắk đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thị trường
- Hướng dẫn sử dụng hệ thống An toàn vệ sinh lao động - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk
- Trung tâm Dịch vụ việc làm phát động phong trào trồng cây – dọn dẹp vệ sinh cơ quan trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ
- Tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện M'Đrắl, Krông Ana
- Tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Krông Ana
- Cải thiện chất lượng đào tạo lao động, định hướng nghề nghiệp ở Đắk Lắk
- THAM GIA TƯ VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM TẠI LỄ HỘI HẢNG PỒ, XÃ EA SIÊN, THỊ XÃ BUÔN HỒ NĂM 2024
- Ư VẤN, GIỚI THIỆU VIỆC LÀM TẠI NGÀY HỘI VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC HUYỆN EA KAR LẦN THỨ III